Được lập đền thờ Nguyễn_Thủ_Tiệp

Đình làng Ném Đoài ở Khắc Niệm, Tp Bắc NinhCụm di tích đình chùa làng Ném Đoài

Do có công cai quản, lập ấp và giữ vững ổn định ở địa phương, Nguyễn Thủ Tiệp được lập đình thờ ở các phường Hạp Lĩnh, Khắc Niệm thuộc thành phố Bắc Ninh và đình Phúc Nghiêm, xã Phật Tích, Tiên Du đều thuộc tỉnh (Bắc Ninh).

Cụm di tích đình, chùa làng Ném Đoài, phường Khắc Niệm là nơi quy mô nhất thờ Nguyễn Thủ Tiệp. Nhân dân làng Ném Đoài lập đền thờ ông là thượng đẳng thần với vai trò vị thần lập làng. Năm 1982 ngôi đền được cải tạo lại, nằm liền kề với chùa Cổ Niệm trong một khuôn viên. Nhà đền lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: Một lư hương sành thời Lê, hai chóe đựng nước cúng, một bộ bát bửu, tượng Nguyễn Thủ Tiệp tạc năm 1937, một thần tích bản sao, khắc gỗ năm 1932 và một số đồ thờ khác. Cổ Niệm tự là ngôi chùa Nguyễn Thủ Tiệp phát tâm xây dựng. Lễ hội lớn nhất trong năm ở Ném Đoài là lễ hội kỷ niệm ngày sinh Thành hoàng Nguyễn Thủ Tiệp từ mồng 4 đến 11 tháng Giêng âm lịch.

Trên địa bàn phường Khắc Niệm còn đình làng Đông hay đình Khu Đông cũng là nơi thờ tướng quân Nguyễn Thủ Tiệp. Khu phố Đông với khu phố Đoài xưa kia chung 1 ngôi đình nằm ở giữa 2 làng, nay nằm ở vị trí trường Tiểu học. Ngôi đình chung xưa kia có quy mô to lớn, nhưng đã bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2010, đình mới được xây dựng trên khu đất mới như ngày nay.

Ngôi đình Hạp Lĩnh và đình làng Tiên Xá thờ thành hoàng là sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp. Theo thần tích, cha ông vốn là người ở Phúc Kiến, Trung Quốc, nhân đến sang dẹp loạn ở Tĩnh hải quân lấy vợ người Việt mà sinh ra anh em ông, khi trưởng thành ông thấy vùng Tiên Du là nơi thắng địa bèn dựng trang trại, lập ra Nguyễn Xá Trang. Người trong vùng thường gọi ông là Ba An Thái lão quân Nguyễn Lệnh Công. Sau Đinh Bộ Lĩnh sai Nguyễn Bặc đem quân đến đánh, ông thua trận phải rút quân chạy vào Nghệ An, đánh nhau vài trận và mất ở đó.

Đình Phúc Nghiêm được xây dựng vào thời Lê Sơ, thờ Thành hoàng Nguyễn Thủ Tiệp, là một trong 12 sứ quân có công chiêu binh dẹp loạn, bảo vệ dân làng thoát cảnh loạn ly. Đình Phúc Nghiêm nằm cách đình Tiên Xá khoảng 8 km, thuộc huyện Tiên Du. Gần đình là dấu tích thành cổ núi Bát Vạn do Nguyễn Thủ Tiệp xây dựng. Đến thời Lê Trung Hưng, đình được trùng tu và mở rộng với quy mô lớn. Ngôi đình cổ là tòa đại đình lớn gồm 5 gian, mái ngói đao cong, bộ khung gỗ lim, chạm khắc tinh xảo, nghệ thuật. Hiện đình có kiến trúc kiểu chữ "Đinh" gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, bộ khung gỗ chạm khắc nghệ thuật, mang phong cách truyền thống. Đình Phúc Nghiêm còn bảo lưu được một số tài liệu sưu tầm và cổ vật như bia đá, thần tích, thần sắc sao chụp. Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Hội đình (17-2 Âm lịch) hàng năm vẫn giữ được những nét truyền thống với nghi thức tế lễ và các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao như: vật, đu tiên, hát Quan họ, diễn tuồng, chèo…